Kiến nghị giữ nguyên thẩm quyền đào tạo, cấp phép lái xe

Đó là góp ý của nhiều đại biểu liên quan đến dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại hội thảo khoa học do Công an TP.HCM tổ chức chiều 10-3.

Ngày 10-3, Công an TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học về nội dung trọng tâm 4 dự án luật liên quan đến công tác công an gồm: Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật công an nhân dân; Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật cảnh sát cơ động.

Hội thảo có sự tham dự và góp ý của nhiều đại biểu từ Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và nhiều chuyên gia đến từ Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Đại học Luật TP.HCM…

Dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhận được nhiều ý kiến góp ý, quan tâm của các đại biểu tham dự.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều tán thành việc tách Luật giao thông đường bộ 2008 thành Luật đường bộ do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) soạn thảo và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục lấy ý kiến, bổ sung, hoàn thiện dự án luật.

Các đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Tô Thị Bích Châu, Lê Thanh Phong góp ý 2 bộ chủ trì soạn thảo 2 dự án luật cần trình song song 2 dự án kèm theo nghị định hướng dẫn thực hiện để Quốc hội đánh giá toàn diện.

Về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, nghị quyết 13/NQ-CP ngày 3-1-2022 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1-2022 đã nêu rõ về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện; đánh giá kỹ lưỡng giải trình của 2 Bộ GTVT và Bộ Công an; nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng Bộ Công an tham gia giám sát với Bộ GTVT về công tác này nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Ông Ngân cùng với một số đại biểu cho rằng cần giữ nguyên trạng thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe như hiện nay, trừ cấp phép lái xe đối với xe chuyên dụng phục vụ lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công an nhân dân, các đại biểu đồng thuận về đề xuất của Công an TP về việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của lực lượng công an phù hợp với lộ trình điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu của người lao động (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) và vừa phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của lực lượng Công an nhân dân so với quy định của Luật công an nhân dân 2018.

Cụ thể, tăng 2 tuổi sĩ quan, hạ sĩ quan so với quy định điều 30 Luật công an nhân dân, riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan có cấp tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi; công nhân công an, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi. Việc tăng tuổi sẽ theo lộ trình.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá để đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc quân hàm cấp tướng trước hạn đối với sĩ quan có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Đồng thời bổ sung 6 vị trí cấp tướng trong Công an nhân dân gồm 1 vị trí cấp cao nhất là thượng tướng, 5 vị trí có cấp bậc cao nhất là thiếu tướng. Bởi lẽ thực tiễn hiện nay Đảng và Nhà nước cho phép vị trí cấp tướng của lực lượng Công an nhân dân là 205, nhưng Luật công an nhân dân chỉ quy định 199 vị trí.

Về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bên cạnh đồng thuận, các đại biểu cũng góp ý cần sửa lại tên của lực lượng này sao cho dễ hiểu; làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ phối hợp; làm rõ đầu mối quản lý, giao nhiệm vụ cho lực lượng này…

Về dự án Luật cảnh sát cơ động, đa số đại biểu tán đồng cao với các nội dung dự thảo.

– Theo Tuổi Trẻ –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Gọi điện ngay